Hướng dẫn đọc và phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp

Cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp như thế nào chính xác, nhanh và hiệu quả? Xem ngay bài viết dưới đây của NAB để nắm rõ nhé!

Việc đọc, phân tích báo cáo tài chính có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân doanh nghiệp. Bởi từ đó nhà quản trị sẽ chọn lựa được phương án đầu tư tối ưu, mang hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiến thức, chuyên môn để đọc hiểu loại báo cáo này.

Bài viết dưới đây, VNTrader sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn về cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp. Sau bài viết, bạn có thể đọc và phân tích loại báo cáo này một cách dễ dàng và chính xác nhất!

Mời các bạn cùng theo dõi nhé!

Báo cáo tài chính là gì?

Để có thể đọc, phân tích báo cáo tài chính, trước tiên bạn cần nắm rõ khái niệm báo cáo tài chính là gì?

Báo cáo tài chính (BCTC) là tài liệu cung cấp mọi thông tin liên quan đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể gồm: tài sản, vốn chủ sở hữu, dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận, nợ,…

Thông thường, báo cáo tài chính sẽ được công bố định kỳ vào cuối mỗi quý và tổng cuối năm.

Vậy cách đọc báo cáo tài chính như thế nào nhanh, hiệu quả? Phân tích báo cáo tài chính ra sao? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong phần tiếp theo nhé!

Cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp nhanh, hiệu quả
Cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp nhanh, hiệu quả

Hướng dẫn cách đọc và phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp

Một bộ báo cáo tài chính doanh nghiệp hoàn chỉnh sẽ bao gồm những nội dung sau đây:

  • Báo cáo của Ban giám đốc
  • Báo cáo của công ty kiểm toán độc lập
  • Bảng cân đối kế toán
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
  • Thuyết minh báo cáo tài chính

Dó đó, để đọc hiểu BCTC, chúng ta sẽ đi phân tích từng yếu tố trên. Từ đó bạn sẽ có cái nhìn tổng quan nhất về tài chính của doanh nghiệp. 

Dưới đây là cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp chính xác nhất! Các bạn có thể tham khảo nhé!

Xem ý kiến của kiểm toán viên

Với mỗi BCTC đều cần có ý kiến của kiểm toán viên xác thực về tính trung thực của bản báo cáo. Từ đó chúng ta biết bản BCTC đó có được chấp thuận không, cần bổ sung gì hay bị từ chối.

Kiểm toán viên nhận xét tính trung thực của bản báo cáo theo 4 mức độ:

  • Chấp nhận toàn phần
  • Ngoại trừ
  • Không chấp nhận
  • Từ chối

Trường hợp kiểm toán viên cho ý kiến “Chấp nhận toàn phần”, tức bản báo cáo đã phản ánh đúng và trung thực tình hình tài chính của doanh nghiệp. Ngược lại nếu bị “Từ chối”, tức bản báo cáo không phản ánh đúng, trung thực về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Cách đọc báo cáo tài chính doanh nghiệp

Để đọc hiểu bản báo cáo tài chính, bạn cần nắm được cách đọc của từng yếu tố trong bản báo cáo. Cùng chúng tôi tìm hiểu ngay bây giờ nhé!

Cách đọc bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán là báo cáo mang tính chất tổng hợp, khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp. Bản báo cáo gồm tài sản hiện có, nguồn hình thành nên tài sản đó tại một thời điểm nhất định. Cách đọc bảng cân đối kế toán như sau:

Liệt kê các mục lớn trong bảng cân đối kế toán để bạn theo dõi toàn bộ thông tin, số liệu dễ dàng hơn.

Sau đó bạn cần tính toán tỷ trọng của các mục đó. Từ đó nắm rõ sự thay đổi tính đến thời điểm báo cáo tài chính.

Cuối cùng bạn cần ghi chú lại những mục chiếm tỷ trọng lớn và mục có biến động lớn tính đến thời điểm báo cáo.

Đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thể hiện cho doanh thu và chi phí của doanh nghiệp.

Trong hoạt động kinh doanh chính, bạn sẽ tính toán được biên lợi nhuận gộp. Cụ thể:

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần về bán hàng, CCDV

Chỉ số biên lợi nhuận gộp sẽ cho bạn biết lợi nhuận thu về từ việc bán hàng và chỉ số của CCDV. Chỉ số càng cao doanh nghiệp càng có lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Trong hoạt động tài chính, bạn có thể tính được lợi nhuận thuần từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể là dựa vào công thức sau:

Lợi nhuận thuần = Lợi nhuận gộp + Doanh thu TC – Chi phí TC – Chi phí BH, QLDN

Hoạt động khác bao gồm: thu nhập khác, chi phí khác, lợi nhuận khác.

  • Thu nhập khác: Đây là số tiền từ bồi thường hợp đồng, bán tài sản, lãi thanh lý,…
  • Chi phí khác: Gồm bồi thường do vi phạm hợp đồng, nhượng bán tài sản, lỗ thanh lý tài sản,…

Lợi nhuận khác = Thu nhập khác – Chi phí khác

Lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được tính dựa vào các kết quả đã phân tích ở trên. Cụ thể như sau:

Lợi nhuận trước thuế (LNTT)= Lợi nhuận thuần + Lợi nhuận khác

Lợi nhuận sau thuế = LNTT – Thuế TNDN

Cách đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đơn giản như sau:

  • Bạn nên tách riêng rõ ràng phần doanh thu và chi phí
  • Sau đó, bạn tính toán tỷ trọng của từng doanh thu trong tổng doanh thu. Tính tỷ trọng của từng chi phí trong tổng chi phí.
  • Cuối cùng bạn đánh giá sự thay đổi so với kỳ trước để đưa ra nhận xét chính xác.

Đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho bạn biết trong một khoảng thời gian nhất định doanh nghiệp đã thu – chi bao nhiêu tiền. Cách đọc hiểu báo cáo lưu chuyển tiền tệ cụ thể như sau:

Trong báo cáo LCTT sẽ có 3 dòng tiền được đề cập đến, đó là:

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: Đây là số tiền doanh nghiệp tự làm ra. Ở mục này, bạn cần chú ý đến mục “Khấu hao TSCĐ..”. Bởi nó cho bạn biết số tiền doanh nghiệp đã chi cho việc duy trì hoạt động mỗi năm.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: Đây là dòng tiền vào và dòng tiền ra liên quan đến việc mua sắm, thanh lý trang thiết bị, tài sản cố định,… Ở mục này, bạn nên chú ý đến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư. Đây là yếu tố cho bạn biết sự chênh lệch giữa dòng tiền ra – vào của doanh nghiệp.

Dòng tiền từ hoạt động tài chính: Đây là dòng tiền liên quan đến việc tăng, giảm vốn chủ sở hữu và vay nợ của công ty.

Trong bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bạn lưu ý thêm 2 điều sau:

  • Dòng tiền ra được thể hiện qua các cụm từ như: “tiền chi”, “đã trả”,…
  • Dòng tiền vào được thể hiện qua các cụm từ như: “thu từ”, “nhận được”,…

Đọc thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh báo cáo tài chính giúp bạn giải thích, nêu rõ những thông số được trình bày trong bản báo cáo tài chính. Bản thuyết minh báo cáo tài chính gồm các nội dung sau:

Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp: Mục này giúp bạn biết doanh nghiệp đang kinh doanh ngành nghề nào? Thời gian doanh nghiệp bắt đầu hoạt động,… Từ đó bạn sẽ xác nhận được thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào trong chu trình phát triển.

Thuyết minh về các khoản mục trên báo cáo tài chính: Trong bảng Thuyết minh BCTC đề cập đến các nội dung sau:

  • Tiền, các khoản tương đương tiền
  • Các khoản phải thu ngắn hạn
  • Tài sản cố định
  • Phải trả người bán ngắn hạn
  • Vay ngắn hạn, Vay dài hạn
  • Chi phí phải trả ngắn hạn
  • Vốn góp chủ sở hữu
  • Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối

Những nội dung này doanh nghiệp đã thể hiện khá rõ ràng. Do đó, bạn chỉ cần chú ý một chút là thể thể đọc hiểu dễ dàng.

Phân tích bản báo cáo để nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp
Phân tích bản báo cáo để nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp

Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp

Bên cạnh việc đọc báo cáo tài chính, bạn cũng cần phân tích báo cáo để hiểu nó một cách chính xác nhất.

Phân tích khả năng thanh toán

Khả năng thanh toán của một doanh nghiệp được đánh giá thông qua các hệ số thanh toán. Cụ thể được thực hiện như sau:

Hệ số khả năng thanh toán hiện hành:

Hệ số này cho bạn biết về khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của công ty. Điều này thực hiện thông qua việc chuyển đổi tài sản ngắn hạn thành tiền. Hệ số này được tính theo công thức:

Khả năng thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

Nếu hệ số này càng thấp khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp càng khó khăn. Và ngược lại hệ số cao thể hiện khả năng thanh toán của doanh nghiệp tốt.

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay:

Nợ của doanh nghiệp sẽ được xác định gồm: các khoản nợ phải chi trả và nợ vay bên ngoài. Hệ số này tính theo công thức:

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay/Lãi vay phải trả

Việc thanh toán lãi vay đúng hạn sẽ rất khó khăn nếu doanh nghiệp có số vay nợ nhiều nhưng khả năng sinh lời thấp.

Hệ số vòng quay các khoản phải thu:

Hệ số này cho bạn biết tốc độ thu hồi công nợ của doanh nghiệp. Công thức tính như sau:

Hệ số vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu bán hàng/Các khoản phải thu bình quân

Sau đó, bạn lấy số ngày trong năm chia cho vòng quay các khoản phải thu sẽ có được kỳ thu tiền bình quân/ngày.

Kỳ thu tiền bình quân/ngày = 360/Vòng quay các khoản phải thu

Từ đó bạn sẽ biết doanh nghiệp sau thời gian bao lâu để có thể thu hồi được công nợ.

Hệ số vòng quay hàng tồn kho:

Hệ số này sẽ cho bạn biết vốn đang nằm ở hàng tồn kho có thể quay vòng bao nhiêu lần/1 kỳ.

Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán/Hàng tồn kho bình quân

Hệ số càng lớn chứng tỏ hàng tồn kho càng ít, khả năng sản phẩm được bán đi càng nhanh, nên vốn sẽ ít bị ứ đọng.

Phân tích đòn bẩy tài chính

Để phân tích được đòn bẩy tài chính chúng ta cần dựa vào hệ số nợ của doanh nghiệp đó. Hệ số nợ được tính theo công thức:

Hệ số nợ = Nợ phải trả/Tổng nguồn vốn

Trường hợp hệ số nợ ở mức thấp chứng tỏ doanh nghiệp có độ an toàn cao. Và ngược lại, hệ số nợ cao doanh nghiệp đó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Phân tích khả năng sinh lời

Lợi nhuận là tiêu chí quan trọng cho bạn biết quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả hay không.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu:

Chỉ số lợi nhuận sau thuế (LNST) phản ánh việc quản lý chi tiêu của doanh nghiệp. Đồng thời chỉ số cũng cho bạn biết doanh nghiệp thu được bao nhiêu lợi nhuận trên 1 đồng doanh thu thuần. Chỉ số được tính theo công thức:

Tỷ suất LNST trên doanh thu = LNST/Doanh thu thuần

Chỉ số này càng cao thể hiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đó càng tốt.

Tỷ suất lợi nhuận gộp:

Hay còn gọi là biên lợi nhuận gộp được tính theo công thức:

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp/Doanh thu thuần

Tỷ số này càng cao thể hiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tốt và sản phẩm phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của khách hàng.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu:

Tỷ suất này cho bạn biết cách sử dụng tài sản của doanh nghiệp có hiệu quả không. Nó được tính theo công thức:

Tỷ suất LNST trên vốn chủ sở hữu = LNST/VCSH bình quân

Tỷ suất này càng cao chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng tài sản càng tốt.

Thu nhập một cổ phần thường (EPS):

Chỉ số thu nhập một cổ phần thường sẽ cho bạn biết doanh nghiệp có thể thanh toán cổ tức cho cổ đông là bao nhiêu. Công thức tính như sau:

Thu nhập một cổ phần thường  = (LNST – Cổ tức cho cổ đông ưu đãi)/Số lượng cổ phần thường lưu hành

Chỉ số này càng cao chứng tỏ doanh nghiệp càng mạnh và có thể thanh toán cổ tức cho cổ đông nhiều hơn.

Phân tích dòng tiền

Ở phần này, bạn cần chú ý đến 2 yếu tố: Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và tỷ suất dòng tiền tự do.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh hay còn gọi là doanh thu thuần: Dòng tiền này sẽ cho bạn biết doanh nghiệp nhận được lợi nhuận cho một đồng doanh thu thuần là bao nhiêu. Hiện tại không có một con số cụ thể nào để có thể tham chiếu so sánh về dòng tiền này. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể đối chiếu với kết quả của báo cáo kỳ trước để so sánh.

Tỷ suất dòng tiền tự do: Đây là số tiền sẵn có cho mục đích kinh doanh của doanh nghiệp, được tính theo công thức:

Tỷ suất dòng tiền tự do = Dòng tiền tự do/Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD

Trong đó: Dòng tiền tự do = Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD – Dòng tiền đầu tư cho TSCĐ.

Dòng tiền càng lớn thì “sức khỏe tài chính” của doanh nghiệp càng mạnh.

Một số lưu ý khi đọc, phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp

Nếu bạn có câu hỏi hoặc cảm thấy không chắc chắn về điều gì trong báo cáo hãy hỏi lại kế toán của bạn. Bởi, tất cả các báo cáo này sẽ được dùng cho hoạt động kiểm toán, thanh toán thuế.

Bạn nên có lịch kiểm toán độc lập mỗi năm một lần để đảm bảo báo cáo tài chính doanh nghiệp nhất quán, chính xác.

Bạn có thể tham khảo các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, phần mềm cũng tự động lập tờ khai thuế, quyết toán thu nhập doanh nghiệp hàng năm.

NAB vừa chia sẻ đến các bạn cách đọc và phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn đánh giá một cách chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Từ đó bạn có thể đưa ra những quyết định kinh doanh sáng suốt mang đến lợi nhuận cao nhất!

TÌM HIỂU THÊM:

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trướcTìm hiểu và phân biệt giá trần, giá sàn và giá tham chiếu
Bài tiếp theoHướng dẫn cách tra cứu vốn điều lệ công ty, doanh nghiệp